Cây mật gấu là một loại thảo dược quý hiếm ở nước ta, có giá trị chữa các bệnh xương khớp hay đau họng Để nhận biết hình dạng bên ngoài và biết được cây mật gấu có tác dụng gì thì bạn hãy theo dõi ngay trong bài viết dưới đây.
Mô tả thực vật
Tên gọi, danh pháp
- Tên khác: Cây Mật gấu Nam, cây Lá đắng.
- Tên khoa học: Vernonia amygdalin
- Họ: Cúc (Asteraceae).
Đặc điểm thực vật
- Thân cây: Mật gấu là loài thực vật thân thảo. Thân cây mềm, mọc thành bụi. Cây thường cao 2 – 5m.
- Lá: Lá cây có màu xanh lục. Lá dài khoảng 20cm, hình bầu dục, có vị đắng.
Phân bố, thu hái, sơ chế
Cây Mật gấu phân bố ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới như châu Phi.
Cây cũng có phân bố tại Việt Nam, dễ trồng và mọc hoang ở khu vực Nam bộ. Cách gọi “cây Mật gấu Nam” là để khoanh vùng sinh sống của loại cây này và cũng là để phân biệt với một loại cây khác trùng tên là “Mật gấu” (cây Hoàng liên ô rô, mọc ở miền Bắc).
Thu hái cây quanh năm. Chọn hái những cây vừa trưởng thành, không quá già. Không chọn hái những cây còn non.
Cách sơ chế:
- Bước 1: Sau khi thu hoạch, rửa sạch thân và lá, để cho ráo nước.
- Bước 2: Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, sao vàng trước khi dùng.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận thường sử dụng ở cây là thân và lá.
hành phần hóa học
Những thành phần chính có chứa trong thân cây và lá của cây Mật gấu Nam là: xanthone; vitamin B1; vitamin B2; vitamin A; vitamin E; vitamin C; terpene; steroid; tannin; flavonoid; axit phenolic; các loại vi khoáng như: kẽm, sắt, đồng…; nước; magie; selenium.
Tác dụng dược lý
Bảo vệ gan
Dược liệu làm giảm tổn thương gan thông qua các cơ chế chống oxy hóa, chống viêm, ổn định màng tế bào cũng như tái tạo mô.
Chống viêm
Người ta đã chứng minh rằng cây Mật gấu có tác dụng ức chế sinh tổng hợp các prostaglandin E2 (PGE2) và prostaglandin D2 (PGD2). Ngoài ra, cây chứa tannin, là chất ức chế mạnh mẽ cyclooxygenase-1. Điều này có thể gợi ý rằng tác dụng chống viêm của Mật gấu do ức chế giải phóng prostaglandin và các chất trung gian khác.
Ngoài ra, vì cây rất giàu flavonoid, steroid, tinh dầu và tanin, nên điều này cũng có thể là nguyên nhân một phần gây ra tác dụng giảm đau ở các mô hình động vật gây ung thư.
Chống oxy hóa
Một số nghiên cứu về cây Mật gấu cho biết nó rất giàu flavonoid, tannin và saponin. Những chất này có thể đóng một số vai trò trong chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa có khả năng ngăn ngừa stress oxy hóa gây ra bởi các bệnh như ung thư, viêm nhiễm, bệnh tim mạch cũng như lão hóa. Chất chống oxy hóa có thể loại bỏ các gốc tự do, cải thiện tình trạng các bệnh mãn tính
Chống ký sinh trùng sốt rét
Người ta nhận thấy cây tiêu diệt và ức chế sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét P. falciparum trong các mô hình chuột.
Cải thiện chất lượng tinh trùng
Cây Mật gấu giúp hình thành quá trình chuyển hóa glucose, thúc đẩy việc tạo ra pyruvate, được biết là chất nền cơ bản cho sự di chuyển và tồn tại của các tế bào tinh trùng. Ngoài ra, chất chống oxy hóa, các flavonoid và chất dinh dưỡng trong cây có thể duy trì hình thái, sự sống sót cũng như chức năng của tinh trùng.
Trong nghiên cứu, động vật được điều trị bằng cây Mật gấu đã cho thấy sự cải thiện về khả năng di chuyển của tinh trùng, hình thái bình thường và số lượng tế bào tinh trùng sống.
Giải độc thận
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ chế độ ăn uống bị ô nhiễm dầu thô gây ra tổn thương thận. Tuy nhiên, việc sử dụng chiết xuất cây Mật gấu đã cung cấp khả năng bảo vệ, giúp chống lại các tác động tiêu cực, cải thiện và phục hồi chức năng, bảo vệ thận.
Ung thư tuyến tiền liệt
Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang có xu hướng sử dụng cây thuốc với hy vọng chữa khỏi và cải thiện bệnh, ngăn chặn bệnh di căn, hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm căng thẳng, thư giãn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cây Mật gấu kích thích sự phát triển của tế bào khỏe mạnh ở tuyến tiền liệt; gây stress oxy hóa, tổn thương DNA, “chết theo chu trình” apoptosis và hoại tử thứ cấp ở tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, các hoạt động chống ung thư và cơ chế hoạt động của cây vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Hiện tại, người ta đang cố gắng xác định thành phần hoạt tính sinh học của cây Mật gấu.
Liều dùng và kiêng kỵ
- Thân và lá của cây có thể dùng để nấu món canh hầm (người châu Phi), ngâm rượu hoặc làm thuốc.
- Trong trường hợp dùng để làm thuốc, người dùng có thể phơi khô, sao vàng, sau đó sắc uống hoặc sắc kết hợp với những vị thuốc khác.
- Về liều dùng, các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ dùng khoảng 10g cây Mật gấu/ngày. Tuy nhiên, liều dùng của vị thuốc này còn tùy thuốc vào bài thuốc chữa bệnh. Liều lượng dùng có thể gia giảm cho phù hợp với công thức của bài thuốc.
Cây Mật gấu là loài cây phổ biến ở nhiều nơi. Tác dụng của cây còn đang được nghiên cứu. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.